Sống bằng đất, bán đất để ăn

Vụ việc xảy ra tại Giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng từ năm 2008 dưới thời ông Nguyễn Bá Thanh. Đã có nhiều gia đình bỏ quê ra đình, một số vượt biên tị nạn tại Thái Lan. Ảnh người dân Cồn Dầu kêu cứu hồi năm 2014 tại Hà Nội

Vào lúc 2 giờ trưa ngày 14/11/2018, chính quyền Đà Nẵng tiến hành cắt điện, nước 7 hộ dân thuộc giáo xứ Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ để “triển khai xử lý hành chính để thực hiện các quyết định thu hồi đất với các hộ thuộc diện giải tỏa dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.”

Theo cáo giác của những hộ dân bám trụ tại Cồn Dầu thì không hề có dự án “khu đô thị sinh thái Hòa Xuân”, đơn giản là nhà cầm quyền Đà Nẵng cấu kết với chủ đầu tư là tập đoàn Sun Group thu toàn bộ đất nông nghiệp ở đây với giá đền bù rẻ mạt, chỉ 50 ngàn/ 1 mét đất nông nghiệp, sau đó san lấp, phân lô bán từ 20 – 40 triệu/m2 và hoán đổi cho mỗi hộ dân ở đây, mỗi hộ 100 m2 với giá 1 triệu/m2.

Vấn đề Giáo xứ Cồn Dầu “nóng” từ năm 2008, thời ông Nguyễn Bá Thanh làm bí thư Đà Nẵng. Khoảng 1.600 giáo dân đã phải ra đi dưới áp lực của súng và dùi cui, nhiều người bị đánh đập và đi tù, có người đã chết; một số tị nạn tại Thái Lan, khoảng 400 người còn lại tiếp tục bám đất và sẵn sàng đấu tranh cho đến hơi thở cuối để bảo vệ đức tin và đất đai tổ tiên Hồi đầu tháng 11/2018, hai mươi sáu giáo dân Cồn Dầu đã kiện ra Trung ương, đã có ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, nhưng Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Lệ, Đà Nẵng vẫn bất chấp và cho rằng “việc ra quyết định cưỡng chế của UBND quận Cẩm Lệ là hoàn toàn hợp tình, hợp lý, đúng với quy định của pháp luật và khiếu nại của người dân là thiếu cơ sở.”

Thực chất của vấn đề này là gì? Theo báo Tuổi Trẻ (TTO) ra ngày 09/05/2018 tại Hội thảo khoa học về dự án sửa đổi một loạt các luật thuế của Bộ Tài chính do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội phối hợp với Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội tổ chức vào hôm 09/05, ông Nguyễn Văn Phụng, vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn – Tổng cục thuế, dựa trên số liệu về tỉ lệ đóng góp của thuế theo chiến lược, trong giai đoạn 2011-2015, là 23-24% GDP đã nhận định: “Các con số này nói lên rằng mấy năm qua chúng ta đang dựa vào đất rất nhiều. Nếu tính thu cả đất thì đạt 23,7% GDP, còn bỏ đất ra thì chỉ được hơn 18% GDP thôi.

Như thế, chúng ta đang sống bằng đất, bán đất để ăn. Ăn hết phần của con cháu trong tương lai.” Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại phiên thảo luận Quốc hội về ngân sách và đầu tư công diễn ra vào hôm 29/10/2018 cũng cho rằng nguồn thu ngân sách quốc gia hiện nay chủ yếu từ việc bán đất, bán tài nguyên và tài sản nhà nước.

Như thế thực chất những vụ cưỡng chế đất dành cho những dự án chỉ nhằm mục đích tăng thu cho ngân sách trong bối cảnh thu không đủ chi, chưa nói đến việc tăng những khoản thuế phí không có lợi cho dân và việc chia phần, lại quả của các nhà đầu tư cho các viên chức nhà nước. Nhưng những nguồn thu chỉ dựa vào bán đất, bán tài nguyên và bán doanh nghiệp nhà nước không phải là vô tận, đến một lúc nào đó sẽ hết, vì bộ máy công quyền quá cồng kềnh, dư ra cả hàng chục ngàn nhân viên phải trả lương, những doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả phải bù lỗ và cả “đảng cầm quyền” hàng năm tiêu tốn những tỷ tỷ USD từ ngân sách để “sinh hoạt”.

Đất không sinh ra đất. Trên nền tảng đất đai được sở hữu, được bảo hộ của một chính quyền “ từ dân, vì dân, do dân”, cuộc sống người dân được ổn định, làng xóm quây quần, những giá trị văn hóa tinh thần và truyền thống mới được gìn giữ và phát huy. Dùng quyền và luật pháp phi nhân, nhân danh phát triển kinh tế để cưỡng chế đất đai, là triệt đường sống của người dân, là đẩy dân và cả dân tộc vào bước đường cùng bi thảm, phải tha hương cầu thực hoặc trở nên những khách trọ ngay chính quê hương mình, trên mảnh đất ngàn đời tiên tổ để lại.

Âu cũng vì khoản luật bất nhân “sở hữu toàn dân”nhưng quyền quyết định sở hữu lại nằm trong tay một đảng phái và cơ cấu chính trị, cơ cấu chính quyền thuộc đảng phái đó, thì vì lợi ích, bất chấp lương tri, họ sẵn sàng đẩy hàng triệu người dân vào tình trạng bi thảm như hiện nay chỉ với một quyết định thu hồi đất đai. Giáo huấn xã hội Công giáo từ RERUM NOVARUM (1891) của Đức Lêo XIII, đến CENTESIMUS ANNUS (1991) của Đức Gioan-Phaolô II đã bênh vực quyền tư hữu chống lại việc nhà nước sở hữu mọi sự. “Karl Marx và Friedrich Engels viết trong Tuyên ngôn Cộng sản năm 1848: mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản có thể được tóm lược vào ‘sự hủy bỏ tài sản tư hữu’.

Trái lại, Giáo hội trong giáo huấn xã hội của mình luôn bảo vệ quyền tư hữu tài sản” (Docat, số 147) “Đây là điều hợp lý: người ta có quyền có tài sản riêng. Nhờ ra công làm việc, một người cải tạo đất đai và giữ phần chi riêng mình. Tài sản riêng khiến người ta tự do và độc lập. Tài sản riêng khuyến khích cá nhân gìn giữ cơ ngơi của mình, chăm sóc và bảo vệ nó khỏi bị phá hoại.

Trái lại những thứ của chung chung thường xuống cấp do không ai thấy mình có nghĩa vụ phải chăm lo. Việc có tài sản vật chất tùy ý định đoạt khiến cho chúng ta đảm nhận những trách nhiệm và các nghĩa vụ trong cộng đồng.

Như vậy, quyền tư hữu là yếu tố quan trọng trong quyền tự do của công dân. Đây là nền tảng của một trật tự kinh tế thật sự mang lại tính dân chủ, vì việc mọi người đều có phần trong lợi nhuận từ hành động kinh tế chỉ trở nên khả thi thông qua quyền sở hữu tài sản riêng” (Docat, số 90).

Số phận nào cho những người dân Giáo xứ Cồn Dầu khi đối diện với nhà cầm quyền cộng sản “sống bằng đất, bán đất để ăn. Ăn hết phần của con cháu trong tương lai?”

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Mời đọc thêm:

Giáo dân Cồn Dầu bị cắt điện và sẽ bị cưỡng chế vào sáng 15/11

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.