Búa đã đập nát tan tành mọi thứ giá trị đối với từng cư dân Vườn Rau, từ những vật dụng nhỏ như cái bát ăn cơm từng bữa đến cái mái tôn che mưa nắng.
Búa đập tan nát mọi ước mơ, dù chẳng cao sang quyền quý gì, có khi chỉ là đôi chục mét vuông, lấy chỗ nương thân vào những ngày cuối đời, làm nơi ra vào cho đôi vợ chồng, chỗ xoay trở cho đứa con, chỗ cho con chó, con mèo, chỗ cho luống rau canh tác.
Búa còn vung lên, với tất cả sức mạnh của sự bạo tàn, dối trá, đập xuống công lý, làm cho thành bụi khói quyền sở hữu chính đáng của người dân, làm móp méo hệ thống pháp luật, và cuồng điên nện vào những lý lẽ chứng cứ pháp lý, tương nát lương tri và lòng tự trọng, liêm sỷ. Những gì búa không vươn tới, đã có liềm.
Liềm tả xung hữu đột như “lưỡi không xương”, sắc bén dối trá và lươn lẹo, đe doạ và quy chụp, bởi “miệng nhà quan có gang có thép”.
Liềm gom lại cắt gọn niềm hy vọng le lói đâu đó trong khoảng không dày đặc bóng tối của sự sợ hãi đến tê liệt ý chí, dưới lớp vỏ của sự dửng dưng vô cảm, của quán tính ích kỷ và thói cam chịu để yên thân.
Liềm rạch vào thân thể của cộng đồng – củi đậu nấu đậu, tạo ra những tổn thương cho các gia đình- đèn nhà ai nấy sáng, hằn lên những sẹo hận và để lại những nỗi đau mất mát không gì có thể bù đắp. Buồn cười cho lý tưởng “lấy dân làm gốc của nước”.
Vì nhà nước có tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân đâu? Khi một quyết định nhà cầm quyền đưa ra, người dân chưa thuận, lòng dân chưa yên, bảo sao người dân không phản kháng. Đây đâu phải là thời chiến, mất nước là mất tất cả, nên sao có thể đòi người dân phải có trách nhiệm với sự nghiệp cách mạng, đòi phải hy sinh đến “hơi thở cuối cùng” cho sự phát triển, đổi mới?
Bao nhiêu loại thuế phí áp đặt trên từng cọng hành, quả trứng, thậm chí đến cả thứ không khí “trời ban” cũng phải tận thu, chưa đủ sao? Nếu biết “dân là nước, nước có thể chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền” thì đừng nên coi thường người dân, cả khi “chạm” thôi, chưa nói đến “cướp đoạt” quyền của dân.
Nếu dân chủ là chế độ chính trị trong đó toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do dân thực hiện trưc tiếp hoặc thông qua đại diện do dân bầu ra; và nếu đặc trưng nổi bật nhất của hình thức quản lý của chế độ dân chủ là thiết lập và duy trì nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số” và thừa nhận quyền tự do trong chính kiến và bình đẳng về giới tính, về dân tộc, về chính trị xã hội của công dân, thì sao lại duy trì tình trạng trái khoáy như hiện nay, không để cho người dân lên tiếng bảo vệ những quyền của mình, chí ít là trưng cầu ý dân “Vườn Rau”?
Nếu “Vườn Rau” đi vào “lịch sử” như một ký ức về một sự kiện “chẳng hào hùng” gì ngoài những giọt nước mắt uất hận quyện với những tiếng kêu rên uất nghẹn trước bất công và bạo quyền do nhà cầm quyền gây ra, đẩy họ vào một tương lai tăm tối mịt mù đau khổ, gian nan, thì đúng là “lịch sử của tội ác”
Từ chuyện bình thường suy ra. Dân là gốc, gốc có vững chắc, cây mới vững bền. Việc ưu tiên của một chính phủ chính danh, là phải gần gũi, quan tâm đến đời sống và quyền lợi người dân, phải dựa vào người dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của người dân. Vì được lòng dân, việc gì cũng xong.
Trong giai đoạn bi thảm của một thể chế “dột từ nóc dột xuống”, chính sự dối trá, bạo lực và tham lam đã khiến nhà cầm quyền xoay sở mọi cách để “phản bội và ruồng bỏ người dân”, như hiện nay – ở đây, Vườn Rau Lộc Hưng và những cư dân khốn cùng của nó, bị đập phá tan hoang, bị cắt mọi đường sống.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT