Hôm qua tôi đã dùng tất cả quỹ thời gian có được của mình để tập hợp, phân tích và viết ra một bài cảnh báo về khả năng nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông (1). Sáng nay, sau một giấc ngủ vài tiếng thì có rất nhiều người cảm ơn tôi vì những thông tin này, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có kha khá các bạn chửi tôi là hồ đồ, “đu trend”, “TS google”…
Ngoài ra, tôi cũng rất bất ngờ khi nhà nước đã quyết định “Thu hồi khuyến cáo không sử dụng thực phẩm bán kính 1 km vụ cháy Rạng Đông” và nhà máy Rạng Đông đưa văn bản giải thích khẳng định không có nguy cơ nguy hại đến môi trường, đến sức khỏe người dân… Thôi thì hôm nay tôi cũng rất bận nhưng cố viết thêm một bài nữa để phân tích thêm cho rõ.
1. Nhà máy Rạng Đông trình bày trong đơn là đã thay thế kim loại thủy ngân bằng Amalgam. Các bạn nên biết Amalgam cũng là chất liệu được tạo ra từ thủy ngân, đó là hỗn hợp của kim loại thủy ngân và kim loại khác trong đó thủy ngân là thành phần chính. Việc sử dụng Amalgam trong đèn huỳnh quang giúp mở rộng nhiệt độ hoạt động của bóng đèn, ổn định áp suất hơi thủy ngân khi nhiệt độ bóng đèn tăng, tuy nhiên chỉ đạt được hơn 90% sản lượng ánh sáng trong phạm vi nhiệt độ rộng hơn so với huỳnh quang tiêu chuẩn.
Tôi không tranh cãi chuyện công ty có sử dụng Amalgam trong đèn huỳnh quang hay không vì tôi không có bất cứ tài liệu nào về bí mật công nghệ của công ty. Nhưng các bạn nên nhớ Amalgam có chứa thủy ngân là thành phần chính và dĩ nhiên ở trạng thái này thủy ngân vẫn bay hơi được và nhiệt độ càng cao thì bay hơi càng dễ. Hiện nay trong ngành nha, người ta cũng hạn chế không sử dụng loại trám sử dụng Amalgam và tuyệt đối không cho trẻ dưới 6 tuổi. (2)
2. Trong bài trước tôi có nói “Kim loại thủy ngân ở dạng hơi trong không khí-Elemental mercury vapor” là rất độc hại thì có nhiều phản biện nói là thủy ngân có nhiệt độ bay hơi hơn 300 độ, ra ngoài gặp nhiệt độ lạnh ngưng tụ là xong… Đây là nhận định sai lầm nhé các bạn. Thủy ngân tuy có điểm sôi ở trên 300 độ C (chính xác là 356.73 °C, 674.11 °F) nhưng chúng có thể bốc hơi vào không khí ở nhiệt độ bình thường và lượng bốc hơi này có thể gây hại cho con người. Nhiệt độ càng nóng thì độ bốc hơi càng cao. Do vậy, 1 cái đèn huỳnh quang bể hoặc 1 nhiệt kế thủy ngân bể cũng cần phải thu dọn đúng cách để tránh lượng kim loại thủy ngân tồn đọng lại. Trên các trang web chính phủ Mỹ có rất nhiều hướng dẫn để dọn dẹp trong những trường hợp trên (3). Do vậy đừng nói là ở nhiệt độ phòng là an toàn với kim loại thủy ngân nha.
3. Một trường hợp có thể sử dụng để tham khảo đó là một nghiên cứu được đăng trên tạp chí chuyên ngành “Annual Occupational and Environmental Medicine” đưa ra báo cáo về nhiễm độc thủy ngân xảy ra khi tháo dỡ một nhà máy sản xuất Bóng Đèn Huỳnh Quang ở Hàn Quốc năm 2015 (4).
Báo cáo cho thấy 18 trong số 21 công nhân tham gia dự án tháo dỡ có triệu chứng ngộ độc. Trong số đó, 10 người có các triệu chứng dai dẳng ngay cả khi 18 tháng sau khi tiếp xúc với hơi thủy ngân. Các triệu chứng ban đầu của 18 công nhân bao gồm phát ban da nói chung, ngứa, đau cơ, rối loạn giấc ngủ và ho và khạc đờm. Sau khi giảm bớt các triệu chứng ban đầu này, các triệu chứng muộn, chẳng hạn như mệt mỏi dễ mất ngủ, ác mộng và rối loạn lo âu, bắt đầu biểu hiện ở 10 trên 18 bệnh nhân. 7 công nhân đã trải qua quá trình chăm sóc tâm thần do rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu và trầm cảm, và 3 công nhân đã trải qua điều trị da liễu để điều trị nám da, phun trào da hồng ban và tổn thương da. Hơn nữa, 3 công nhân đã biểu hiện cử động giật thô (coarse jerky movement), hai người bị biến dạng ngón tay hình cổ thiên nga (swan neck deformity of the fingers,) và 2 người được chăm sóc để điều trị bệnh mất cảm giác (Paresthesia), như cảm giác nóng rát, cảm giác lạnh và đau. 2 công nhân đã trải qua điều trị tiết niệu cho rối loạn chức năng của hệ thống tiết niệu và bất lực.
Tuy nhiên, những điều trị triệu chứng không mang lại kết quả khả quan cho các công nhân này.
Đây là sự vụ xảy ra ở Hàn Quốc nha các bạn, đừng nghĩ do công nghệ chế tạo đèn huỳnh quang của họ lạc hậu nên bị như thế. Ngoài ra, đây là vụ tháo dỡ xưởng sản xuất chứ không phải là đám cháy như vừa xảy ra ở công ty Rạng Đông. Đừng quên là nhiệt độ cao sẽ làm cho thủy ngân càng dễ bay hơi và khuếch tán trong không khí, và hơi kim loại thủy ngân là thứ rất độc như tôi phân tích ở bài trước.
. Tôi thật bất ngờ và hụt hẫng với quyết định “Thu hồi khuyến cáo không sử dụng thực phẩm bán kính 1 km vụ cháy Rạng Đông” được đưa ra ngay sau một ngày phát thông báo, trong lúc mà các đơn vị lấy mẫu để đo nồng độ nhiễm trong môi trường chỉ mới bắt đầu! Các vị lãnh đạo đưa ra quyết định này có thực sự biết rằng hành động này đi ngược lại với hành động thông thường của các nước trên thế giới khi xảy ra khủng hoảng môi trường không? Chỉ khi môi trường được kiểm tra và đảm bảo an toàn thì người ta mới thu hồi lại các khuyến cáo về sức khỏe cho dân chúng, đằng này quý vị đi ngược lại! Chẳng lẽ các vị đang ngồi phòng máy lạnh đã đoán được kết quả xét nghiệm môi trường trước là “âm tính” hay sao? (để ý dấu ngoặc kép tôi sử dụng nhé) Chuyện “đoán” được kết quả trước kiểu này thì TS trên thế giới cũng không mấy ai làm được đâu! Riêng tôi, chỉ thấy hành động này là thiếu tình người và xem nhẹ sự an toàn của người dân!
Qua đây tôi nói luôn, mục đích tôi viết bài trên Facebook cá nhân không phải là để tìm kiếm danh tiếng. Các bạn có thể thấy tôi không viết bài thường xuyên, do tôi không quá rảnh. Nhưng khi tôi thấy cần thì tôi sẽ viết và tôi viết là vì tôi là người Việt Nam và tôi lo lắng cho người Việt Nam…
TS. Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA; Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím)
Tài liệu tham khảo
Bài viết trước: https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/2851291838218502
https://www.topbulb.com/…/fluorescent-bulbs-use-amalgam-te…/
https://www.epa.gov/cfl/cleaning-broken-cfl
Nguồn: trithucvn.net