(1) Đức Maria trong Tân Ước (1): Cuộc đời của Maria trước khi xảy ra biến cố Truyền tin (Lu-ca 1: 26-27)
(2) Đức Maria trong Tân Ước (2): “Mừng vui lên!” – Ma-ri-a trong tư cách là thiếu nữ Xi-on (Lc 1,28)
(3) Đức Maria trong Tân Ước (3): “Đấng đầy ân sủng” (Lu-ca 1:28)
(4) Đức Maria trong Tân Ước (4): Mẹ của Đấng Mê-si-a (Lu-ca 1: 28-33)
“Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !”(Lc 1,34).
Hầu hết các học giả đều công nhận rằng câu hỏi này của Ma-ri-a là khá bất ngờ. Khi đáp lại lời thông báo của sứ thần Gáp-ri-en rằng mình sẽ mang thai một con trẻ, Ma-ri-a nêu lên mối lo ngại vì cô ấy không “biết” đến việc vợ chồng. Để đánh giá đúng sự phức tạp của câu hỏi này, chúng ta cần lưu ý hai điểm đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, trong Cựu ước,“ biết” là một cách nói hoa mỹ để chỉ các mối quan hệ tình dục, như khi sách Sáng thế nói, “Ađam đã biết E-và là vợ mình” (Gn 4: 1). Thứ hai, Ma-ri-a là một người đã được hứa hôn. Như chúng ta đã tìm hiểu trong chương 1, Ma-ri-a vào thời điểm này đã có mối tương quan ràng buộc với Giu-se trong hôn nhân nhưng vẫn đang trong tiến trình bước tới giai đoạn thứ hai được gọi là “về chung một nhà”, đó là khi cặp vợ chồng bắt đầu chung sống và có mối quan hệ xác thịt.[1]
Chính vì lý do đó mà câu hỏi của Ma-ri-a – “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (1:34) – thật khó hiểu. Tại sao một người phụ nữ đã hứa hôn lại có phản ứng như thế, khi được thông báo rằng một thời điểm nào đó trong tương lai cô ấy sẽ mang thai?[2] Rõ ràng, sinh nở chuyện thường xảy ra khi các cặp vợ chồng hứa hôn bước sang giai đoạn “về chung một nhà” và bắt đầu quan hệ xác thịt trong hôn nhân! Nếu Ma-ri-a là một phụ nữ Do Thái đã hứa hôn thì theo lẽ thường khi được thông báo về việc sẽ mang thai trong tương lai, Ma-ri-a không nên hoang mang như vậy. Đúng là hiện tại cô ấy có thể không “biết” đến chuyện vợ chồng, nhưng một khi cô ấy về chung sống với Giu-se, thì theo lẽ thường tình, cô ấy sẽ cần phải “biết” chồng mình. Vì vậy, nếu Ma-ri-a có ý định làm trọn trách nhiệm trong cuộc hôn nhân, như bất kỳ một người phụ nữ khác, tại sao cô lại đặt câu hỏi lạ đời như này?
Có rất nhiều lời giải thích khác nhau đã được đưa ra, nhưng có hai cách nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn hết trong giới học giả gần đây. Một cách giải thích coi câu hỏi của Ma-ri-a chỉ là một câu hỏi tu từ. Theo quan điểm này, thánh sử Lu-ca sáng tạo ra câu hỏi của Ma-ri-a và chèn nó vào trong câu chuyện Truyền tin để tạo cớ cho sứ thần Gáp-ri-en có cơ hội nói về cách thức mà Đức Trinh Nữ Ma-ri-a sẽ mang thai người con của mình, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.[3]
Cách giải thích thứ hai lại cho rằng Ma-ri-a hiểu thông điệp của sứ thần ám chỉ việc thụ thai sẽ xảy ra ngay tức khắc. Ma-ri-a nghĩ rằng cô ấy sẽ có thai ngay khi được sứ thần truyền tin — nghĩa là trước khi giai đoạn hứa hôn của cô ấy kết thúc — và vì thế mà Ma-ri-a thắc mắc làm thế nào điều đó có thể xảy ra được, vì cô chưa chưa bước đến giai đoạn “về chung một nhà” trong cuộc hôn nhân với Giu-se.[4] Vì Ma-ri-a, là một người phụ nữ đã hứa hôn,vẫn chưa “biết” đến việc vợ chồng nên cô tự hỏi làm thế nào mà việc mang thai có thể xảy ra vào lúc này được.
Chúng ta sẽ đánh giá hai cách giải thích, vốn rất phổ biến trong giới học giả ngày nay. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét cách tiếp cận thứ ba, được nhiều Giáo phụ, các thánh và các thánh Tiến sỹ Hội Thánh ủng hộ, có thể giúp chúng ta phần nào hiểu rõ hơn ý nghĩa câu hỏi của Ma-ri-a.
Phải chăng đây chỉ đơn thuần là một câu hỏi tu từ?
Trước hết, chúng ta hãy xem xét quan điểm cho rằng câu hỏi của Ma-ri-a chỉ là một câu hỏi tu từ. Nền tảng của cách tiếp cận này là sự chống lại cái gọi là những lời giải thích liên quan tới “tâm lý ”— tức là những cách giải thích cho rằng: Lu-ca 1:34 ” được tạo ra để giải thích việc làm thế nào Ma-ri-a có được hiểu biết về cách thức cô ấy có thai.”[5] Ví dụ, Brown lập luận rằng mối quan tâm chính của Lu-ca không phải là đi vào tâm trí của Ma-ri-a lịch sử (những gì cô ấy đang suy nghĩ sau khi được truyền tin), nhưng để thông báo cho “người đọc về cách con trẻ được thụ thai và do đó giải thích danh tính của con trẻ này.”[6] Theo quan điểm này, câu hỏi của Ma-ri-a chỉ đơn giản là một câu hỏi tu từ do Lu-ca tạo ra để giúp giới thiệu một số luận điểm thần học quan trọng đối mà theo Luca, độc giả cần phải biết. Chúng ta không có ý định suy nghĩ liệu câu hỏi đó có ý nghĩa gì đối với chính Ma-ri-a, nhưng làm thế nào mà câu hỏi mà Lu-ca đặt trên môi miệng Ma-ri-a lại có thể giúp truyền đạt thông điệp thần học mà tác giả muốn trình bày thông qua câu chuyện.
Người ta lập luận rằng một trong những mục đích của câu hỏi của Ma-ri-a là thu hút sự chú ý của người đọc quan tâm đến sự đồng trinh của cô ấy và do đó nhấn mạnh phép lạ kỳ diệu sẽ sớm xảy ra: Con trẻ sẽ không được thụ thai theo cách bình thường thông qua việc giao hoan của vợ chồng, nhưng là bởi Chúa Thánh Thần tác động ngay khi Ma-ri-a vẫn còn một trinh nữ. Từ góc nhìn văn học, câu hỏi của Ma-ri-a tạo cớ cho Gáp-ri-en có điều kiện để giải thích việc con trẻ sẽ được thụ thai như thế nào nhờ quyền năng của Thiên Chúa (1:35).[7] Bên cạnh đó, câu hỏi của Ma-ri-a trong 1:34 và câu trả lời của sứ thần trong 1:35 nhấn mạnh nguồn gốc thiêng liêng của con trẻ: Con trẻ không chỉ là người thuộc hoàng tộc David; đó còn là người Con thánh thiêng của Thiên Chúa, được thụ thai trong cung lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Như Brown giải thích:
Ma-ri-a là phát ngôn viên cho sứ điệp có tính Ki-tô học của Lu-ca ngay cả khi Gáp-ri-en mới là phát ngôn viên; và giữa họ, họ bổ xung để hoàn bức tranh về sự thụ thai của Đấng Mê-si-a là Con của Thiên Chúa, một sự thụ thai không phải qua việc vợ chồng ( với sự cộng tác của Ma-ri-a) nhưng là qua Chúa Thánh Thần (với sự đóng góp của Gáp-ri-en).[8]
Lý do thứ hai khiến một số người cho rằng Lu-ca chèn câu hỏi của Ma-ri-a vào bản văn Truyền tin là để giúp cho câu chuyện Truyền tin này phù hợp với mô típ truyền tin thường thấy trong Kinh thánh. Thường thì khi một sứ thần hoặc chính Thiên Chúa hiện ra với ai đó để truyền tin về việc người đó sẽ có con, người nhận tin sẽ phản ứng lại bằng việc tỏ thái độ không tin hoặc thậm chí là yêu cầu một dấu lạ để chứng minh.[9] Đây là phản ứng chung của những nhân vật như Áp-ra-ham, cha mẹ của Sam-sôn và ông Da-ca-ri-a khi họ nhận được thông báo từ trời rằng họ sẽ được chúc phúc cách kỳ diệu với một một con trẻ, người sẽ đóng vai trò then chốt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Lu-ca biết mô típ điển hình này trong Kinh Thánh và muốn lồng bối cảnh Truyền tin của sứ thần Gáp-ri-en vào trong mô típ này. Vì vậy, Lu-ca tạo ra câu hỏi của Ma-ri-a và chèn nó vào câu chuyện Truyền tin. Câu hỏi của Ma-ri-a không có giá trị nhiều để mà chúng ta có thể nói về tiểu sử cuộc đời của cô, đây chỉ đơn giản là một yếu tố văn học được thêm vào nhằm cho thấy cảnh Truyền tin này nên được đọc như ra sao, dựa trên mô típ truyền tin phổ biến trong Kinh thánh.[10]
Ích lợi của cách giải thích này là nó tránh được tất cả những lời giải thích mang tính chất “tâm lý”, thay vào đó là một lời giải thích thuần túy liên quan tới văn chương. Một khi chúng ta nhìn nhận câu hỏi của Ma-ri-a chỉ đơn thuần là một yếu tố văn chương do Lu-ca tạo ra, chúng ta không còn bận tâm đến chuyện vì sao mà Ma-ri-a, một người đã đính hôn, lại thắc mắc về việc một ngày nào đó mình sẽ mang thai. Câu hỏi của Ma-ri-a có ý nghĩa gì đối với cá nhân cô ấy không phải là điều khiến người đọc quan tâm. Câu hỏi này chỉ đơn giản là một công cụ văn học, một câu hỏi tu từ, giúp nhấn mạnh việc con trẻ sẽ không được thụ thai thông qua quan hệ tình dục và cho phép sứ thần Gáp-ri-en có cơ hội để giải thích nguồn gốc thánh thiêng của con trẻ trong 1:35.[11]
Nhưng dù sao câu hỏi vẫn phải có ý nghĩa nào đó
Tuy nhiên, có những thách đố đáng kể với cách tiếp cận này, như học giả Tân Ước Jane Schaberg đã đề cập. Mặc dù cách giải thích của chính Jane Schaberg về đoạn văn này vẫn có những hạn chế nhất định, nhưng lời phê bình của[12] Schaberg về cái gọi là cách giải thích theo lối “văn chương” là đặc biệt sâu sắc. Tác giả lập luận rằng rốt cuộc cách giải thích đó không thực sự là một lời giải thích theo đúng nghĩa văn chương bởi vì nó không hề làm sáng tỏ chính bản thân câu chuyện.
Đây là bản tóm tắt ngắn gọn về lập luận của Schaberg. Đầu tiên, Schaberg phê bình những sự phản đối lại các cách giải thích dưới khía cạnh “tâm lý”. Schaberg chỉ ra rằng một phần quan trọng của việc giải thích bất kỳ câu chuyện nào là phải xây dựng lại tâm lý của các nhân vật trong chính câu chuyện đó. Người đọc theo lẽ tự nhiên cần thắc mắc tại sao các nhân vật lại hành động và nói năng như vậy.
Vì thế, trong Lu-ca 1:34, điều cần thiết là phải xem xét “tâm lý của Ma-ri-a, một nhân vật trong câu chuyện.” Tại sao Ma-ri-a — với tư cách là nhân vật chủ chốt trong câu chuyện Truyền tin — lại đặt ra câu hỏi như thế? Khi một nhân vật trong câu chuyện chất vấn một nhân vật khác, độc giả cần phải biết câu hỏi đó có ý nghĩa ra sao trong dòng chảy logic của mạch văn. Cho dù các học giả cho rằng câu hỏi của Ma-ri-a trong Lu-ca 1:34 chỉ là một phương tiện văn học đơn thuần, họ vẫn cần giải thích câu hỏi của Ma-ri-a mang ý nghĩa như thế nào trong dòng chảy của câu chuyện. “Coi câu hỏi của Ma-ri-a chỉ là một ‘phương tiện cần thiết về mặt văn chương’ theo cách đã được trình bày là . . . một điều vô nghĩa theo khía cạnh văn chương.”[13] Vì vậy, sẽ không đơn giản nếu cho rằng Lu-ca đã chèn một câu hỏi khó hiểu vào lời tường thuật của mình chỉ để phục vụ cho sứ điệp Ki-tô học của chính tác giả. Câu hỏi của Ma-ri-a trong Lu-ca 1: 34 — bất kể nó có thể có những mục đích thần học nào khác — vẫn phải mang ý nghĩa trong chính mạch văn của câu chuyện.
Cũng không thể nói rằng Lu-ca đã chèn câu hỏi của Ma-ri-a để phù hợp với mô típ truyền tin phổ biến trong Kinh thánh Do Thái. Những lời của Ma-ri-a chắc chắn gợi nhớ đến những sự phản ứng mà một số nhân vật trong Cựu ước đã có khi xảy ra việc truyền tin đối với họ. Nhưng nói như vậy cũng không nghĩa là câu hỏi của Ma-ri-a chỉ là một câu hỏi ngẫu nhiên không có ý nghĩa logic nào trong lời kể của Lu-ca. Tóm lại, câu hỏi này không chỉ là một phần của mô-típ truyền tin trong Kinh thánh; vì khi được tìm thấy trong câu chuyện của Lu-ca, nó còn là một phần thiết yếu vô cùng tinh tế trong chính cốt truyện của riêng Lu-ca.[14] David Landry, bình luận về luận điểm này của Schaberg, giải thích thêm:
Cho dù đúng là Lu-ca đang đi theo một mô-típ truyền tin ở đây, người ta cũng không thể đơn giản mà nói rằng: vì đã sử dụng mô-típ đó, Lu-ca phải đưa vào câu chuyện của mình những chi tiết có thể làm phá vỡ logic của mạch chuyện. Lu-ca hiếm khi “phá hỏng” sự hài hòa trong cốt chuyện của mình chỉ vì không theo các yêu cầu của một “mô thức” nào đó. Nói cách khác, ngay cả khi đi theo những khuôn mẫu chính thức, câu chuyện vẫn phải có ý nghĩa như một câu chuyện hoàn hảo đối với người đọc và vì thế, người đọc nên cố gắng hiểu câu chuyện trong chừng mực có thể.[15]
Cách giải thích liên quan đến việc sắp thụ thai
Điều này khiến chúng ta xem xét cách giải thích chính thống thứ hai về câu Luca 1:34. Đây là một cách giải thích nhận được nhiều sự ủng hộ trong giới học thuật – một cách giải thích xem xét nghiêm túc hơn cách mà câu hỏi của Ma-ri-a phù hợp với dòng chảy logic trong mạch văn tường thuật của Lu-ca. Theo quan điểm sắp thụ thai, Ma-ri-a hiểu sứ điệp của thiên thần là ám chỉ một sự thụ thai sẽ diễn ra ngay trước mắt và cô ấy tự hỏi làm thế nào điều này có thể xảy ra khi mà cô ấy vẫn đang trong thời kỳ hứa hôn, vẫn chưa chính thức về một nhà với Giu-se.
Học giả Tân Ước David Landry ủng hộ mạnh mẽ cho quan điểm này, trước tiên bằng cách đưa ra bằng chứng từ lời tường thuật của Lu-ca cho thấy rằng việc thụ thai đã thực sự diễn ra rất nhanh chóng. Mặc dù bản văn không đưa ra một thời gian rõ ràng, nhưng việc mang thai của Ma-ri-a xảy ra ở một thời điểm nào đó giữa hai cột mốc là lúc sứ thần Gáp-ri-en xuất hiện với Ma-ri-a và Ma-ri-a đến thăm Elizabeth, khi Elizabeth gọi Ma-ri-a là “thân mẫu của Chúa tôi” và nói với cô rằng ” người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” ( Lc 1: 42-43).
Khoảng thời gian đó dài bao lâu giữa hai cột mốc là Ma-ri-a mang thai và chuyến viếng thăm Elizabeth của cô ấy? Kinh thánh không cho biết chính xác, nhưng Luca chỉ ra rằng Ma-ri-a đã “vội vàng” đến thăm Elizabeth, cho thấy đó là một khoảng thời gian rất ngắn. Hơn nữa, Elizabeth đã mang thai được sáu tháng vào ngày Truyền tin diễn ra với Ma-ri-a (1:37), cộng thêm chi tiết Ma-ri-a ở với Elizabeth trong “khoảng ba tháng” trước khi sự ra đời của Gio-an Tẩy giả được thuật lại (1: 56-57). Vì thời gian mang thai thường khoảng chín tháng, nên dường như chỉ còn lại rất ít thời gian giữa các cảnh Truyền tin và Thăm viếng. Landry kết luận: “Độc giả thậm chí có thể nghĩ rằng việc Ma-ri-a bắt đầu mang thai xảy ra ngay lập tức, dường như không đủ thời gian để việc đón dâu có thể diễn ra.”[16]
Tuy nhiên, đây là bước diễn giải sai lầm đầu tiên của Landry. Đúng là độc giả sẽ kết luận rằng việc mang thai của Ma-ri-a đã bắt đầu chính ngay lúc hoặc sau khi sứ thần báo tin cho cô ấy. Nhưng kết luận này sẽ chỉ được đưa ra sau khi người ta đã đọc toàn bộ phần còn lại của câu chuyện Truyền tin và Thăm viếng. Tuy nhiên, ở lần đầu tiên khi độc giả gặp câu hỏi của Ma-ri-a trong 1:34, người đọc sẽ không đưa ra kết luận như thế. Tất cả những gì sứ thần đã thông báo cho tới thời điểm này là Ma-ri-a, một lúc nào đó trong tương lai sẽ mang thai người con đã được hứa ban (1: 31-33). Không có thời gian biểu chính xác nào được đưa ra để biết việc này sẽ diễn ra khi nào. Vì vậy, ý nghĩa thực sự của câu hỏi của Ma-ri-a vẫn chưa được rõ ràng. Sẽ là tự nhiên cho người đọc, ít nhất là tại thời điểm này trong câu chuyện, tự chất vấn tại sao Ma-ri-a, trong tư cách là một người phụ nữ đã hứa hôn, lại phản đối việc mình mang thai ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Hiển nhiên một sự thụ thai như vậy có thể dễ dàng xảy ra sau khi giai đoạn “về chung một nhà” diễn ra.
Vấn đề rắc rối hơn nữa đối với quan điểm của Landry là thực tế rằng: cho dù người đọc cuối cùng sẽ nhận ra rằng Ma-ri-a sẽ thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần và sự thụ thai này, trên thực tế, sẽ diễn ra trong một tương lai rất gần, thì Ma-ri-a với tư cách là nhân vật chính trong câu chuyện cũng chưa biết điều này. Ở đây, Landry đã không xem xét đầy đủ khía cạnh tâm lý của Ma-ri-a như một nhân vật được đặt đúng vào thời điểm câu chuyện đang diễn ra. Tại thời điểm này, Ma-ri-a sẽ không biết khi nào cô ấy sẽ mang thai người con đã được hứa ban. Cho đến lúc này, không có gì trong lời thông báo của thiên thần cho thấy rằng sẽ có một sự thụ thai đồng trinh kỳ diệu. Và không có gì trong thông điệp của thiên thần cho đến lúc này , gợi ý cho Ma-ri-a biết rằng việc thụ thai sẽ diễn ra ngay lập tức. Thông điệp của sứ thần về việc Ma-ri-a trở thành Mẹ của Đấng Mê-si-a – không đề cập đến cái cách siêu nhiên, cũng không nói gì về thời gian khi mà việc này sẽ xảy ra.[17]
Chú giải về Tin Mừng Lu-ca, học giả Tân Ước John Nolland chỉ ra rằng quan điểm thụ thai diễn ra tức thời cũng không giải thích được logic của bản văn, và ông đặt ra một câu hỏi quan trọng: Nếu Ma-ri-a hiểu việc thiên thần viếng thăm đồng nghĩa với một cuộc thụ thai tức thời và thấy việc này gây nên nhiều rắc rối chỉ vì cô ấy chưa ở giai đoạn về một nhà với vị hôn phu của mình, thì tại sao Ma-ri-a không nói, “Tôi vẫn chưa biết đến việc vợ chồng? Trên thực tế, Ma-ri-a chỉ đơn giản nói, “Tôi không biết đến việc vợ chồng .” Hơn nữa, nếu Ma-ri-a cho rằng việc thụ thai ngay lập tức, người ta có thể mong đợi thiên thần đã nói với cô ấy, “Ngay bây giờ cô thụ thai. . . ” trong câu 1:31 của Tin Mừng Lu-ca.[18] Nhưng điều đó đã không xẩy ra. Tất cả các động từ trong thông điệp của sứ thần về con trẻ đều ở thì tương lai: “bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Sau khi nghe sứ điệp của sứ thần trong các câu 1: 31-33, một người phụ nữ đã hứa hôn theo lẽ thường tình sẽ hiểu rằng việc thụ thai sẽ tất yếu diễn ra khi cả hai “về một nhà”. Không có lý do gì ở thời điểm này trong câu chuyện có thể khiến Ma-ri-a nghĩ rằng việc mang thai nhất thiết phải xảy ra ngay lập tức.[19]
Không quá nhanh
Landry đưa ra một lập luận quan trọng thứ hai để hỗ trợ quan điểm cho rằng việc thụ thai sẽ xảy ra tức thời. Ông khẳng định rằng trong Cựu ước, sau các lời truyền tin việc mang thai đều đã diễn ra từ trước đó hoặc sẽ diễn ra ngay tức thì. Landry kết luận rằng Ma-ri-a nhận ra: không có sự trì hoãn nào giữa việc truyền tin và mang thai trong Cựu ước – tức là “việc truyền tin xảy ra ngay lúc (trước hoặc sau) việc bắt đầu mang thai.”[20] Vì vậy, “Ma-ri-a hiểu rõ rằng, nếu cô mang thai của Giu-se, thì thiên thần đáng nhẽ ra phải đợi cho đến sau khi cô về nhà chồng thì mới nên diễn ra việc truyền tin.”[21]
Nhưng thực tế không nhất thiết phải diễn ra như vậy. Mặc dù đúng là có một câu chuyện truyền tin trong Cựu ước liên quan đến một bào thai đã hình thành từ trước đó (St 16: 11 – Ishmael), nhưng không chắc rằng việc mang thai ngay lập tức là một phần thiết yếu của mô típ truyền tin trong Cựu ước. Trình thuật kể về việc sứ thần truyền tin cho cha mẹ của Sam-sôn là không rõ ràng về điểm này (Thủ lãnh 13: 3, 5, 7, 24). Và các câu chuyện truyền tin khác trong Kinh thánh thường mô tả một sự kiện trong tương lai – không nhấn mạnh đến việc thụ thai ngay lập tức.
Lấy ví dụ, việc truyền tin về sự ra đời của I-sa-ác. Lần đầu tiên Áp-ra-ham được loan báo về dòng giống tương lai của mình ở Sáng thế 12: 1-3 và cụ thể hơn là về người con trai sẽ là người thừa kế của ông trong Sáng thế 15: 3-6 – ít nhất mười ba năm trước khi I-sa-ác chào đời. Cụ thể hơn, sự ra đời thực sự của I-sa-ác được thông báo cho Áp-ra-ham trong Sáng thế 17:21 như một điều gì đó sẽ diễn ra “vào mùa này năm sau”. Thật vậy, không có dấu hiệu nào trong thời gian biểu này cho thấy việc thụ thai sẽ diễn ra ngay lập tức hoặc trong vài ngày tới. Dường như một vài tuần hoặc vài tháng sẽ trôi qua trước khi thai nhi được hình thành trong dạ mẹ. Hơn nữa, trình thuật trong sách Sáng thế không cho thấy nó có vẻ gì là đang cố gắng nhấn mạnh đến một sự mang thai tức thời. Câu chuyện cho phép nhiều tình tiết trôi qua trước khi tường thuật rằng Chúa đã đến thăm Sa-ra và bà đã thụ thai I-sa-ác trong Sáng thế 21: 1-3. Việc này diễn ra trong ba chương (và nhiều cảnh) sau lời thông báo ban đầu vào 17:21. Độc giả không hề có ấn tượng rằng việc mang thai diễn ra ngay lập tức, ngay sau thông điệp của Chúa cho Áp-ra-ham được công bố, và đây chắc chắn không phải là kiểu tường thuật có thể khiến độc giả cho rằng tất cả các việc truyền tin khác cũng phải liên quan đến việc thụ thai ngay lập tức.
Chúng ta tìm thấy một tình huống tương tự trong lời tiên tri về Immanuel trong sách I-sai-a 7:14, một bản văn liên quan trực tiếp đến câu hỏi của Ma-ri-a trong Lu-ca 1:34, nơi mà ngôn ngữ được sử dụng gần như giống hệt nhau (“bạn sẽ thụ thai ..”). Không có sự thụ thai ngay lập tức nào được nhấn mạnh trong thông báo này về việc con trẻ Immanuel sắp ra đời. Trên thực tế, khung thời gian duy nhất được đưa ra trong trình thuật này là về thời điểm khi mà mối đe dọa ngoại bang của liên minh Syria-Samarian sẽ qua đi – một thời kỳ được mô tả là diễn ra “trước khi con trẻ biết cách từ chối điều ác và chọn điều tốt” (Is 7: 14-16). Nói cách khác, đây là chặng đường nhiều năm, rất lâu sau khi đứa trẻ được sinh ra.[22]
Do đó, không phải tất cả các câu chuyện truyền tin trong Cựu Ước đều liên quan đến việc thụ thai ngay lập tức. Bằng chứng từ các bản văn khác nhau rõ ràng sẽ không tạo ra một kỳ vọng nào nơi người đọc (hoặc nơi Ma-ri-a) rằng một yếu tố then chốt của tất cả các cuộc truyền tin là sự mang thai sẽ xảy ra gần như lập tức. Vì vậy, thách đố cơ bản nơi câu hỏi của Ma-ri-a, “Điều này sẽ xảy như thế nào, vì tôi không biết dến việc vợ chồng?” vẫn chưa được giải đáp: Tại sao một người phụ nữ đã hứa hôn lại phản đối viễn cảnh một ngày nào đó trong tương lai mình sẽ mang thai? Điều bình thường ấy là những gì sẽ xảy ra khi các cặp vợ chồng tiến đến giai đoạn thứ hai của cuộc hôn nhân và bắt đầu có quan hệ tình dục.
Còn khả năng nào khác không?
Cho đến nay, chúng ta đã thấy rằng hai lối giải thích phổ biến nhất cho Lu-ca 1:34 trong giới học thuật gần đây – một tạm gọi là câu hỏi tu từ và một quan điểm cho rằng Ma-ri-a đang đặt câu hỏi làm thế nào cô ấy có thể mang thai với tư cách là một người phụ nữ đã hứa hôn – không giải quyết triệt để được những thắc mắc. Cả hai đều không giải thích được câu hỏi của Ma-ri-a có ý nghĩa như thế nào trong logic tường thuật trong câu chuyện truyền tin của Lu-ca. Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang một cách giải thích thứ ba, xem xét những hiểu biết từ quan điểm truyền thống rằng Ma-ri-a đã có một số mong muốn hoặc cam kết giữ mình đồng trinh.
Nếu Ma-ri-a chỉ là một người phụ nữ Do Thái đã hứa hôn bình thường – dự định hoàn thành trách nhiệm của cuộc hôn nhân của mình sau khi cô ấy bước đến giai đoạn “đến với nhau” – thì cô ấy sẽ mong đợi một cuộc mang thai như vậy xảy ra vào lúc nào? Nói cách khác, nếu một người phụ nữ hứa hôn vào thế kỷ thứ nhất được một ngôn sứ thông báo rằng cô ấy sẽ có con vào một lúc nào đó trong tương lai, thì bất kỳ người phụ nữ nào cũng suy nghĩ khi nào điều đó sẽ xảy ra? Có lẽ, một thời gian sau khi hứa hôn – sau khi về chung một nhà, khi xảy ra quan hệ tình dục hợp pháp trong hôn nhân. Nếu Ma-ri-a là một người phụ nữ đã hứa hôn bình thường, thì một lời truyền tin sẽ là dấu chỉ tốt đẹp về cuộc sống hôn nhân tương lai của cô ấy.
Vì vậy, câu hỏi của Ma-ri-a có vẻ khá kỳ lạ: “Chuyện này sẽ như thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Nếu Ma-ri-a dự định hoàn thành trách nhiệm cuộc hôn nhân của mình với Giu-se trong tương lai gần, câu trả lời cho câu hỏi của cô ấy hẳn là rất đơn giản. Mặc dù hiện giờ cô ấy không có khả năng mang thai (vì cô ấy chưa biết chuyện vợ chồng), nhưng nếu Mar-ri-a có ý định “biết” Giu-se sau khi “đến với nhau”, thì rõ ràng cô ấy sẽ có khả năng thụ thai ở điểm đó. Vì thế, nếu Ma-ri-a đang có kế hoạch hoàn thành cuộc hôn nhân của mình với Giu-se, câu hỏi của cô ấy về căn bản là không có ý nghĩa gì. Đây là những gì Denis Farkasfalvy, một nhà thần học phục vụ trong Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng, kết luận:
Nếu Ma-ri-a kết hôn với ý định bước vào mối quan hệ vợ chồng với Giu-se thì sự phản đối của cô ấy với sứ thần sẽ không có ý nghĩa gì: Le đương nhiên cô ấy sẽ nghĩ rằng sứ thần đang nói về một Hài nhi được sinh ra từ mối quan hệ của cô ấy với Giu-se. Trình thuật phải được phép để gợi ý ngoài những gì nó trực tiếp nêu ra. Nói cách khác, không thể tránh khỏi việc nhận thấy lời thắc mắc của Ma-ri-a với Thiên sứ rằng cô không có ý định hoàn thành nghĩa vụ cuộc hôn nhân của mình và sống với Giu-se trong vai trò là vợ của ông.[23]
Đây là lý do tại sao một số Giáo phụ và Tiến sĩ Hội Thánh đã nhận ra trong câu hỏi của Ma-ri một dấu hiệu cho thấy cô không có ý định hoàn thành cuộc hôn nhân của mình. Theo quan điểm này, Ma-ri-a đặt ra câu hỏi như thế là bởi vì cô ấy đã quyết định giữ trinh tiết trong suốt cuộc đời mình. Quan điểm này, được đề cao dưới nhiều hình thức khác nhau bởi các nhà thần học như Thánh Augustinô, Thánh Thomas Aquinas, và Thánh Bonaventura (và thậm chí cả Martin Luther), giải thích câu hỏi của Ma-ri-a không phải là câu hỏi của sự nghi ngờ, mà là một câu hỏi tìm kiếm, làm rõ về cách cô ấy có thể mang thai nếu cô ấy đã tự cam kết hoặc có ao ước dâng mình cho Thiên Chúa trong nếp sống khiết tịnh.
Một trong những người sớm nhất ủng hộ quan điểm này là thánh Gregory of Nyssa, đã chỉ ra rằng câu hỏi của Ma-ri-a sẽ là vô nghĩa— trừ khi cô ấy đã cam kết trước đó về sự khiết tịnh trọn đời. Nếu không, tại sao cô ấy lại đặt ra câu hỏi này nếu cô ấy có ý định sẽ quan hệ vợ chồng với Giu-se?
Vì nếu Giu-se lấy cô về làm vợ, với mục đích sinh con nối dòng, tại sao cô lại băn khoăn khi được thông báo về việc sẽ làm mẹ, vì lẽ ra, theo quy luật tự nhiên, chính cô đã chấp nhận kết hôn và sẽ trở thành một người mẹ?
Nhưng cũng giống như việc cần thiết phải bảo vệ thân xác đã được thánh hiến cho Thiên Chúa như một của lễ nguyên vẹn và thánh khiết, vì lý do tương tự, ngay cả khi bạn là một thiên thần từ trời xuống và ngay cả khi hiện tượng này nằm ngoài khả năng của con người, nhưng nó là không thể đối với tôi, cô ấy nói, để phải biết đến việc vợ chồng. Làm thế nào tôi sẽ trở thành một người mẹ mà không có quan hệ vợ chồng? Vì dù tôi coi Giu-se là chồng tôi, tôi vẫn không biết đến chuyện đó.[24]
Gần đây hơn, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã rút ra một kết luận tương tự, khi dạy rằng trước ngày Truyền tin, trái tim của Mẹ Ma-ri-a hướng về sự trinh khiết vì Chúa Thánh Thần đã soi dẫn trong Mẹ khát vọng được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa với tư cách là hiền thê trung thành của Ngài.
Các Tin Mừng và các bản văn Tân ước đều không cho chúng ta biết từ khi nào Ma-ri-a quyết định giữ mình trọn đời là một trinh nữ. Tuy nhiên, rõ ràng là từ câu hỏi của cô ấy với sứ thần vào thời điểm truyền tin, đã cho thấy Ma-ri-a đã đi đến một quyết định rất chín chắn. Ma-ri-a đã không ngần ngại bày tỏ mong muốn giữ gìn sự trinh khiết của mình ngay cả khi thông báo về việc làm mẹ được đề xuất, cho thấy ý định của cô đã chín muồi sau một thời gian dài cân nhắc.[25]
“Tôi không biết đến việc vợ chồng”
Theo John McHugh, khi câu hỏi của Mary được nhìn dưới góc độ này, tuyên bố của cô ấy về việc không biết đến chuyện vợ chồng càng cho thấy ý định giữ mình trinh khiết của Ma-ri-a. John nhận ra cách diễn đạt của Ma-ri-a về việc không “biết” việc vợ chồng ở thì hiện tại, điều này “tiết lộ tính lâu dài và liên tục” của trạng thái khiết tịnh của cô ấy. Ma-ri-a nói rằng cô ấy không biết việc vợ chồng, đồng nghĩa là cô ấy không có ý định biết đến việc đó.[26]
Xem xét một ví dụ tương tự: Nếu ai đó nói với tôi, “Bạn sẽ chết vì ung thư phổi trong tương lai” và tôi trả lời, “Làm sao có thể, vì tôi không hút thuốc?” câu trả lời của tôi sẽ không chỉ mô tả hoàn cảnh hiện tại (“Ngay bây giờ , tôi không hút thuốc”). Thay vào đó, nó sẽ cho thấy ý định lâu dài của tôi là tránh hút thuốc (“Hút thuốc không phải là điều tôi có ý định làm”). Tương tự như vậy, câu nói của Ma-ri-a “Tôi không biết đến việc vợ chồng” —khi được nhìn thấy trong bối cảnh rộng hơn của câu chuyện Truyền tin — càng cho thấy sự cam kết của Ma-ri-a là giữ mình đồng trinh trong suốt phần đời còn lại của mình.
Tại sao Mary kết hôn?
Trong khi lời cam kết của Ma-ri-a đối với sự trinh tiết tỏ ra khá hiệu quá để giải thích câu hỏi của cô ấy, vẫn có hai ý kiến phản đối nảy sinh. Đầu tiên, một số người cho rằng người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất không coi trinh tiết là lý tưởng tôn giáo và không có bằng chứng lịch sử nào về việc phụ nữ Do Thái cổ đại thực hiện lời thề tiết chế tình dục. Người ta cũng chỉ ra rằng Cựu ước nhấn mạnh việc sinh sôi nảy nở như một phúc lành; qua đời khi còn là một trinh nữ được coi là một điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên, trong khi cam kết giữ mình khiết tịnh không phải là xu hướng chủ đạo trong đạo Do Thái cổ đại, nó không phải là điều không tồn tại trong lịch sử. Thật vậy, ngôn sứ Giêrêmia được Thiên Chúa kêu gọi sống độc thân (xem Gr 16: 1). Gioan Tẩy giả, Phao-lô và chính Chúa Giê-su vẫn sống độc thân. Một giáo phái Do Thái được biết đến với tên gọi Essenes có nhiều thành viên thực hành cuộc sống độc thân và thậm chí một số thành viên đã kết hôn cũng thực hành tiết chế tình dục đến ba năm một lần và không quan hệ vợ chồng khi mang thai.[27] Tác giả người Do Thái ở thế kỷ thứ nhất là Philo ở Alexandria kể về một nhóm khác được gọi là Therapeutae, bao gồm một số phụ nữ Do Thái vẫn giữ mình khiết tịnh theo sự lựa chọn của họ.[28] Vì vậy, mặc dù khiết tịnh có thể không phải là một lý tưởng tôn giáo phổ biến, nhưng việc giữ mình khiết tịnh để dâng mình cho Thiên Chúa không phải là điều hoàn toàn xa lạ với thế giới Do Thái vào thế kỷ thứ nhất, nơi mà Đức Ma-ri-a sống. Nếu những người khác sẵn lòng sống khiết tịnh suốt đời, thì không có lý do gì để loại trừ khả năng Ma-ri-a cũng làm như vậy.
Một ý kiến phản đối thứ hai thường được nêu ra là “Tại sao Ma-ri-a chấp nhận hứa hôn với Giu-se nếu cô ấy đã có ý định giữ mình đồng trinh trọn đời?” Nhiều lời giải thích đã được đưa ra cho cuộc hôn nhân độc đáo này. Có lẽ, vì việc người phụ nữ giữ mình độc thân không khả thi về mặt xã hội trong thế giới Do Thái giáo cổ đại, nên hôn nhân sẽ mang lại sự ổn định kinh tế và bảo vệ về mặt xã hội cho Ma-ri-a. Có lẽ cuộc hôn nhân đã được sắp đặt. Có lẽ hôn nhân sẽ giải thoát Ma-ri-a khỏi sự theo đuổi của những người đàn ông khá, những người đang có ý định cùng cô ấy chung sống trong cuộc sống hôn nhân và do đó bảo vệ lời thề hứa của Ma-ri-a. Có lẽ Thiên Chúa đã dẫn dắt Ma-ri-a đến hôn nhân bởi vì trong sự quan phòng của Ngài, Ngài muốn bảo vệ danh tiếng của cô cho tương lai, khi cô sẽ mang thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Lời thề của người Do Thái cổ đại
Tuy nhiên, một đoạn trong Kinh thánh Do Thái có thể làm sáng tỏ nhiều điều về cam kết đồng trinh của Ma-ri-a. Nó xuất phát từ cuốn sách Các Dân số, chương 30, hoàn toàn dành cho những lời thề của phụ nữ. Trong tác phẩm Jesus and the Hebrew Roots of Mary, Brant Pitre lập luận rằng chương này cung cấp bằng chứng lịch sử từ truyền thống Do Thái cổ đại về lời thề tiết chế tình dục của phụ nữ góa bụa hoặc ly hôn, phụ nữ chưa kết hôn và phụ nữ đã kết hôn.
Dưới đây là những câu liên quan đến lời thề của những người phụ nữ đã kết hôn:
“7 Nếu người ấy đi lấy chồng, khi vẫn còn phải giữ những lời khấn hứa hay bị ràng buộc bởi một lời hứa thiếu suy nghĩ nào miệng người ấy đã thốt ra,8 và nếu người chồng nghe biết được mà vẫn im lặng trong ngày nghe biết được chuyện ấy, thì những lời khấn hứa của người phụ nữ ấy có hiệu lực, và những điều mà người ấy tự buộc mình làm cũng đều có hiệu lực.9 Nhưng nếu trong ngày nghe biết được, chồng người ấy phản đối, thì anh ta hủy bỏ lời khấn hứa còn ràng buộc người vợ, và lời hứa thiếu suy nghĩ người vợ đã tự buộc mình phải giữ, ĐỨC CHÚA sẽ dung thứ cho người phụ nữ ấy.. . . . 13 Nhưng nếu người chồng hủy bỏ ngay trong ngày nghe biết, thì mọi điều miệng người vợ thốt ra khi khấn hứa và tự buộc mình làm, sẽ không có hiệu lực: người chồng đã hủy bỏ, thì ĐỨC CHÚA cũng dung thứ cho người phụ nữ ấy.14 Người chồng có thể chứng nhận là có hiệu lực, hay hủy bỏ mọi lời người vợ khấn hứa và thề tự buộc ăn chay hãm mình.15 Nếu người chồng cứ im lặng cho đến hôm sau, thì đó là chứng nhận mọi lời khấn hứa của vợ hoặc mọi điều người vợ tự buộc mình làm có hiệu lực; người chồng chứng nhận là có hiệu lực, vì đã im lặng trong ngày nghe biết được.16 Nhưng nếu người chồng hủy bỏ các điều ấy sau khi nghe biết, thì sẽ phải mang lấy tội của vợ.” 17 Đó là những quy luật ĐỨC CHÚA đã truyền cho ông Mô-sê về mối tương quan giữa chồng và vợ, giữa cha và con gái lúc thiếu thời còn ở nhà cha.. . . (Ds 30: 7-8, 13-17)
Pitre đưa ra ba nhận xét chính về đoạn văn này. Trước tiên, ông lưu ý rằng luật cụ thể này tập trung vào lời thề “khấn hứa và tự buộc mình làm” của một người phụ nữ như thế nào (Ds 30:13). Cách diễn đạt cụ thể trong tiếng Do Thái (le-secure nephesh) có thể được dịch là “chối bỏ chính mình” (Deny herself – NRSV), và nó thường mô tả việc nhịn ăn hoặc uống nhưng cũng bao gồm kiêng quan hệ tình dục. Thật vậy, đó là những gì chúng ta tìm thấy trong cách giải thích Do Thái cổ đại nhất mà chúng ta có về cách diễn đạt này, điều này cũng xuất hiện trong các luật lệ của sách Lê-vi liên quan đến việc kiêng ăn và kiêng quan hệ tình dục vào Ngày Lễ Chuộc Tội của người Do Thái: “Các ngươi sẽ tự chối bỏ chính mình” (Lv 16:29).[29]
Thứ hai, nếu một người phụ nữ “từ chối” hoặc “tự ràng buộc” bản thân chỉ về việc tiết chế tình dục, thì toàn bộ chương 30 sách Dân số có thể được xem như là đưa ra luật liên quan đến lời thề tiết chế tình dục của ba loại phụ nữ: phụ nữ chưa kết hôn (Ds 30: 3- 5), phụ nữ đã kết hôn (30: 6-8, 13-15), và phụ nữ góa chồng hoặc đã ly hôn (30: 9-12). Pitre lưu ý rằng có một chìa khóa quyết định xem những lời thề này có ràng buộc hay không: sự đồng ý của người cha hoặc người chồng. Nếu một người phụ nữ phát nguyện tiết chế tình dục và người cha hoặc người chồng, khi nghe nói về điều đó, bác bỏ điều đó, thì lời thề đó không có giá trị ràng buộc. Nhưng nếu một người phụ nữ tuyên thệ như vậy và người cha hoặc người chồng nghe thấy và không nói gì chống lại điều đó, thì lời thề ấy sẽ có hiệu lực. Trong trường hợp này, sự im lặng của người nam ngụ ý sự đồng ý.
Thứ ba, Pitre lưu ý rằng các lời thề khác nhau trong chương 30 có ràng buộc vĩnh viễn như thế nào nếu người chồng hoặc người cha nghe thấy lời thề của người phụ nữ và chấp nhận lời thề đó:
Mặc dù những lời giảng dạy trong Dân số ký 30 có thể được áp dụng cho những lời thề tạm thời, ngữ cảnh cho thấy ý nghĩa chính là lời thề vĩnh viễn. Bởi lẽ, một lời thề tạm thời tiết chế tình dục sẽ có ý nghĩa gì đối với một trinh nữ chưa kết hôn vẫn sosogn trong nhà của cha cô ấy? Văn bản chỉ có ý nghĩa nếu nó đề cập đến lời thề kiêng cữ vĩnh viễn, được cha của cô gái chấp thuận. Tương tự như vậy, lời thề kiêng cữ tạm thời sẽ có ý nghĩa gì đối với một người đàn bà góa? Nếu cô đã thề tạm thời kiêng quan hệ với chồng mình, thì cô sẽ (hiển nhiên) sẽ tự động thoát khỏi lời thề trước cái chết của chồng! Nếu quan điểm của lời thề vĩnh viễn về tiết chế tình dục áp dụng trong cả hai trường hợp này, thì việc đề xuất lời thề vĩnh viễn về tiết chế tình dục đối với một người phụ nữ đã kết hôn cũng sẽ có ý nghĩa.[30]
Sự hiểu biết sâu sắc này làm sáng tỏ lý do tại sao luật pháp trong Dân số 30:13 đề cập đến quyền của người chồng, khi nghe vợ anh ta thề nguyện “từ chối chính mình”, để “vô hiệu hóa” lời thề của vợ anh ta. Rốt cuộc, loại lời thề nào khác sẽ xứng đáng với việc đưa ra một điều luật trong sách Dân số bảo vệ quyền của người chồng để vô hiệu hóa nó? Những lo lắng về việc một người vợ chỉ đơn thuần nhịn ăn dường như không cần đến sự quan tâm của pháp luật như vậy. Nhưng điều gì đó liên quan đến quan hệ tình dục giữa vợ và chồng thì cần có luật pháp bảo vệ như thế.[31]
Tóm lại, Pitre chứng minh rằng thực sự có bằng chứng lịch sử về việc phụ nữ Do Thái thời xưa có lời thề tiết chế tình dục và điều này được tìm thấy ngay trong bản văn Do Thái. Thực tế là các tác phẩm của người Do Thái sau này kể về các nhóm như Therapeutae ở Ai Cập và một số phụ nữ đã kết hôn của nhóm Essene thực hiện cam kết kiêng quan hệ tình dục xác nhận chi tiết được tìm thấy trong sách Dân số chương 30 về những phụ nữ đã kết hôn sống bằng lời thề kiêng quan hệ tình dục. Do đó, bối cảnh này có thể giúp hỗ trợ cách giải thích truyền thống của Lu-ca 1:34 rằng Ma-ri-a đã thề nguyện đồng trinh và lý do tại sao cô vẫn chấp nhận hứa hôn với Giu-se. Chúng ta có thể tưởng tượng một phụ nữ Do Thái thời xưa như Ma-ri-a thực hiện lời thề tránh xa việc quan hệ tình dục. Nếu chồng cô là Giu-se nghe thấy lời thề và không nói gì chống lại điều đó, thì theo Dân số chương 30: 13-14, lời thề có giá trị ràng buộc. Nhưng nếu Giu-se thay đổi ý định “và làm cho chúng trở nên vô hiệu sau khi ông đã nghe về điều đó”, thì ông sẽ phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của lời thề bị phá vỡ: “Người đó sẽ gánh lấy tội của cô ấy” (Ds 30:15 ). Tuy nhiên, Pitre lưu ý rằng Phúc Âm Mát-thêu nhấn mạnh đến việc Giu-se là người công chính, tuân theo Lề Luật (Mt 1:19). Ông viết, “Nếu Đức Ma-ri-a cam kết tiết chế tình dục — và lời nói của của Ma-ri-a“ Làm sao có chuyện này được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng? ”(Lc 1:34) là bằng chứng cho thấy Mẹ đã thực hiện lời thề – và nếu Thánh Giu-se chấp nhận lời thề này tại thời gian hứa hôn của họ, khi đó ngài sẽ bị Luật Môi-sê ràng buộc để tôn trọng lời thề tiết chế tình dục của cô ấy dưới hình phạt của tội lỗi. ”[32]
Tại sao Giu-se chấp nhận lời thề đồng trinh của Ma-ri-a vẫn còn là một bí ẩn. Trong khi có một số truyền thống về việc Giu-se là một người đàn ông lớn tuổi vào thời điểm ông hứa hôn với Mary, bản thân Kinh thánh không nói gì về điều này. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã suy nghĩ về câu hỏi này và đưa ra gợi ý của riêng mình — một gợi ý đáng để chúng ta xem xét:
Chúng ta có thể tự hỏi tại sao cô ấy lại chấp nhận hứa hôn, trong khi cô ấy đã có ý định giữ mình đồng trinh mãi mãi. . . . Có thể cho rằng vào thời điểm hứa hôn của họ đã có sự hiểu biết giữa Giu-se và Ma-ri-a về kế hoạch sống như một trinh nữ. Hơn nữa, Chúa Thánh Thần, Đấng đã soi dẫn Đức Ma-ri-a chọn sự đồng trinh theo mầu nhiệm Nhập thể và là Đấng muốn người sau này xuất hiện trong một khung cảnh gia đình phù hợp với sự lớn lên của con trẻ, đã hoàn toàn có thể hé lộ cho Thánh Giu-se biết lý tưởng về sự đồng trinh.[33]
[1] See Brown, Birth of the Messiah, 123-24, on betrothal in first-century Judea and Galilee.
[2] David Landry, “Narrative Logic in the Annunciation to Mary (Luke 1:26-38),” JBL 114 (1995), 65. See also Tannehill, who notes the oddity of Mary’s question: “Mary’s response ‘How can this be?’ ignores the fact that she will soon be living with her husband. For some reason she assumes that this child will not be conceived in the normal way.” Tannehill, Luke, 49. Similarly, Marshall, The Gospel of Luke, 69: “Mary’s question is puzzling, since, if the promised child is to be a descendant of David, she is already betrothed to a member of the house of David and can expect to marry him in the near future and bear his child.”
[3] For example, Brown, Birth of the Messiah, 307-8; Fitzmyer, Luke I-IX, 348- 51; Brown, Mary in the New Testament, 111-5.
[4] Landry, “Narrative Logic in the Annunciation to Mary (Luke 1:26-38)”; Leon Morris, The Gospel According to Luke (Grand Rapids: Eerdmans, 1975), 73. See also Bock, Luke 1:1-9:50, 119-120. When summarizing various interpretations of Luke 1:34, Bock seems most open to this immediate pregnancy view.
[5] Brown, Birth of the Messiah, 307.
[6] Ibid.
[7] Fitzmyer, Luke I-IX, 350.
[8] Brown, Birth of the Messiah, 308.
[9] Brown outlines five steps: (1) the appearance of an angel or the Lord; (2) the visionary responding in fear; (3) the divine message; (4) an objection by the visionary; and (5) the giving of a sign to help assure the visionary. The annunciations are about the births of Ishmael (Gn 16:7-13), Isaac (Gn 17:1-19; 18:1-15), Samson (Jgs 13:3-23), John the Baptist (Lk 1:11-20), and Jesus (Lk 1:26-47; Mt 1:20-21). See Brown, Birth of the Messiah, 156.
[10] Fitzmyer, Luke I-IX, 350; Brown, Birth of the Messiah, 307-8.
[11] “The problem of why Mary would mention her virginity as an obstacle to conception (since she could have had sexual relations with Joseph to beget a child after the Annunciation) disappears once we shift away from the psychological quest—Luke phrases Mary’s objection the way he does because he has the tradition that the divine plan excluded a human begetting of the child.” Brown, Birth of the Messiah, 308.
[12] Jane Schaberg, The Illegitimacy of Jesus (San Francisco: Harper & Row, 1987), 90.
[13] Jane Schaberg, The Illegitimacy of Jesus, 87.
[14] “The question is an essential part of the form and of the story line.” Schaberg, The Illegitimacy of Jesus, 87.
[15] Landry, “Narrative Logic,” 70.
[16] Ibid, 75. Landry argues that his position is confirmed in the Nativity scene where Luke describes Mary as still being “betrothed” (Lk 2:5). However, Luke likely calls Mary “betrothed” in 2:5 to emphasize that her marriage was not consummated yet. This in itself helps underscore that Mary was not pregnant by natural means. See Green, Luke, 128.
[17] John Collins, “Our Lady’s Vow of Virginity,” CBQ 5 (1943), 373.
[18] See Nolland, Luke 1-9:51, 53.
[19] Furthermore, we do not yet know how far along into betrothal Mary and Joseph are.
[20] Landry, “Narrative Logic,” 76, n. 38.
[21] Ibid.
[22] As will be discussed further in chapter 23, this prophecy is ultimately fulfilled in the birth of Jesus (cf. Mt 1:23).
[23] Denis Farkasfalvy, The Marian Mystery (New York: St. Paul’s, 2014), 29.
[24] St. Gregory of Nyssa, On the Holy Generation of Christ, PG 46, 1140 C- 1141 A. As translated in Luigi Gambero, Mary and the Fathers of the Church (San Francisco: Ignatius Press, 1999), 157.
[25] John Paul II, General Audience (August 7, 1996). As translated in John Paul II, Theotokos (Boston: Pauline Books and Media, 2000), 12
[26] McHugh, The Mother of Jesus in the New Testament, 194-96.
[27] Josephus, War of the Jews, 2.160-61.
[28] Philo, On the Contemplative Life, 68.
[29] Targum Pseudo-Jonathan on Leviticus 16:29; Mishnah, Yoma 8:1. Pitre also refers to Jacob Milgrom’s comment on Numbers 30:13: “[L]iterally, ‘you shall afflict yourselves, chiefly by fasting, as testified by Isaiah 58:3, 5, 10. But other acts of self-denial are also implied and are understood by the rabbis as follows:
Afflict yourselves from food and drink, bathing, anointing, putting on sandals, and sexual intercourse’ (Targ. Jon. Mishnah, Yoma 8:1). Indeed that the psalmist must specify. . . ‘I afflicted myself with a fast’ (Ps. 35:13) means that there are other forms of self affliction.” Jacob Milgrom, The JPS Torah Commentary: Numbers (Philadelphia: Jewish Publication Society, 1990), 246. In Brant Pitre, Jesus and the Jewish Roots of Mary (New York: Image, forthcoming 2018), 116.
[30] Pitre, Jesus and the Jewish Roots of Mary, 117.
[31] Ibid, 117-18. “Although it’s possible that ancient Israelite husbands everywhere were so fed up with their wives’ constant fasting that a law had to be created to deal with it . . . it is much more likely that women’s vows of sexual abstinence were a cause for conflict. Indeed, it is very easy to imagine a situation in which the husband might later change his mind and decide to make his wife’s vow ‘null and void’ (Nm 30:15).”
[32] Ibid, 119.
[33] John Paul II, General Audience (August 21, 1996). As translated in John Paul II, Theotokos, 127-8.